Ấn độ là đất nước lắp nhiều camera giám sát nhất thế giới, điển hình là thành phố Hyderabad hay New Delhi. Nhưng do có lượng lớn CCTV đã được lắp đặt lại đang là mối đe dọa đối với quyền riêng tư dữ liệu người dùng ở nơi đây.
Ngày 16/2, Mohammed Khadeer, một công nhân 35 tuổi qua đời trong một bệnh viện ở thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ, chỉ vài ngày sau khi bị cảnh sát tạm giam.
Tình tiết gây phẫn nộ nằm ở việc trong thời gian nằm viện Khadeer đã quay được một đoạn video cho thấy cảnh sát đã đối xử với anh cực kỳ tàn bạo.
Nguồn cơn sự việc bắt nguồn từ việc cảnh sát cho rằng Khadeer là thủ phạm trong một vụ giật trang sức được camera giám sát (CCTV) ghi lại. Sau quá trình điều tra, Khadeer được kết luận vô tội và thả tự do 5 ngày sau đó.
Theo Moneycontrol, cảnh sát thừa nhận rằng cảnh quay CCTV không rõ ràng có thể đã dẫn đến việc Khadeer bị xác định nhầm là nghi phạm.
Càng nhiều camera, tỷ lệ tội phạm càng cao
Nhận dạng khuôn mặt bằng cảnh quay thu được từ camera giám sát thường được coi là giải pháp chống tội phạm công nghệ mới.
Theo báo cáo dữ liệu năm 2022 của công ty nghiên cứu công nghệ Comparitech có trụ sở tại Anh, Ấn Độ có nhiều thành phố nằm trong bảng xếp hạng những nơi lắp nhiều camera giám sát nhất trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nghịch lý là những thành phố này lại sở hữu tỷ lệ tội phạm ở mức rất cao. Tiêu biểu là Hyderabad, thành phố có số lượng camera giám sát nhiều thứ 3 trên thế giới, theo Comparitech. Mật độ ở thành phố này được ghi nhận là 41,8 camera trên 1.000 người.
Mặc dù vậy, theo Numbeo, cơ sở dữ liệu trực tuyến theo dõi số liệu đời sống, chỉ số tội phạm của Hyderabad - con số ước tính về mức độ tội phạm chung ở một thành phố hoặc quốc gia nhất định - đạt tới 42,9.
Để so sánh, trên bình diện quốc tế, các thành phố như Zurich và Munich - những nơi được đánh giá là an toàn nhất thế giới, chỉ có chỉ số tội phạm rất thấp là 19,1 và 18,8.
Theo các chuyên gia, việc thiếu quy định về việc sử dụng và lưu trữ dữ liệu được thu thập thông qua camera giám sát đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền riêng tư của công dân, đặc biệt là khi nhận dạng khuôn mặt được sử dụng cùng với các hệ thống này.
“Xu hướng này là điều mà chúng tôi đã chứng kiến trong nhiều nghiên cứu của mình. Đây cũng là minh chứng rằng nhiều camera giám sát hơn không đồng nghĩa tỷ lệ tội phạm giảm đi", Rebecca Moody, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dữ liệu tại Comparitech, nói với Rest of World.
Tỷ lệ tội phạm ở Ấn Độ đang gia tăng ở mức báo động. Năm 2021, theo dữ liệu mới nhất từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia (NCRB), những hành vi phạm tội đối với phụ nữ đã tăng 15,3% so với năm trước.
Trong khi đó, tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, con số này thậm chí đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong suốt thời gian này, New Delhi có mạng lưới lên tới 26,7 camera giám sát trên 1.000 người.
CCTV vẫn là công cụ hiệu quả
Những thành phố lắp nhiều camera giám sát nhất thế giới
Trong khi những chuyên gia về quyền riêng tư dữ liệu hay các nhà hoạt động liên tục nêu lên mối lo ngại về sự gia tăng đáng báo động của việc giám sát bằng video ở Ấn Độ, chính phủ New Delhi lại ăn mừng vì điều đó.
“Thật tự hào khi nói rằng New Delhi đánh bại các thành phố như Thượng Hải, New York hay London về số lượng camera giám sát trên mỗi dặm vuông”, ông Arvind Kejriwal, Thủ hiến Delhi, viết trên twitter cá nhân.
“Chính quyền New Delhi nghĩ rằng những hành phi phạm tội đối với phụ nữ chỉ xảy ra ở các khu vực công cộng và nó có thể được sửa chữa thông qua camera giám sát. Thông điệp chính trị khiến mọi người tin rằng camera giám sát sẽ giúp tăng cường an ninh, nhưng thực tế chẳng phải vậy”, Anushka Jain, cố vấn chính sách tại IFF, một nhóm ủng hộ quyền tự do trên Internet, trả lời Rest of World.
Trong bảng xếp hạng những nơi có nhiều camera giám sát nhất, Indore nắm giữ vị trí số một tại Ấn Độ và chỉ đứng thứ hai sau các thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh và Trùng Khánh.
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, các tội phạm như hiếp dâm và phá hoại nhà ở đã tăng đến 14% ở Indore. Chỉ số tội phạm của thành phố này là 48,37, chỉ hơn 45,3 của thành phố Kozhikode (Ấn Độ),nơi chỉ có mật độ 0,05 camera giám sát trên 1.000 người.
Sau vụ cưỡng hiếp tập thể nữ sinh viên Nirbhaya ở New Delhi năm 2012, giới chức Ấn Độ đã đứng trước sức ép và phải sửa đổi luật hình sự nước này, bổ sung những quy định nghiêm khắc hơn với các tội danh liên quan tới tấn công tình dục, trong đó có án tử hình.
Chính phủ sau đó cũng thành lập Quỹ Nirbhaya để đầu tư vào các biện pháp đảm bảo an toàn cho phụ nữ nước này. Theo IndiaSpend, nhiều dự án được tài trợ thông qua sáng kiến này có liên quan đến việc lắp đặt camera giám sát.
Tuy nhiên, với những người đứng đầu các tổ chức bảo vệ phụ nữ, hệ thống camera giám sát vẫn là một công cụ tốt để giúp cảnh sát truy bắt thủ phạm.
“Chúng tôi xử lý hơn 500 khiếu nại trong một ngày và phải gửi giấy triệu tập tới cảnh sát cho từng trường hợp. Từ những tương tác với họ, chúng tôi hiểu rằng camera giám sát giúp tốc độ điều tra được gia tăng đáng kể. Một khi tội ác xảy ra, đoạn phim CCTV giúp cảnh sát có bằng chứng”, bà Swati Maliwal, Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi, nói.
Cảnh sát New Delhi cũng xác nhận họ đã giải quyết hơn 100 vụ án với sự trợ giúp của camera giám sát vào năm 2021.
Yashovardhan Azad, một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu và từng là giám đốc đặc biệt của cơ quan tình báo Ấn Độ, khẳng định với Rest of World việc theo dõi và sử dụng nhận dạng khuôn mặt là các quy trình tiêu chuẩn của cảnh sát.
“Đây là vì trật tự công cộng. Nếu có tội phạm ở bất kỳ khu vực công cộng nào, cảnh sát cũng đều có thể yêu cầu trích xuất CCTV để điều tra”, Azad giải thích.
Người đăng: Phạm Tiến
Tham khảo thêm: